Giải pháp cho “TP thông minh - Cách mạng Công nghiệp 4.0”

Ngày 04 tháng 07, 2017

Giải pháp khoa học “TP thông minh - Cách mạng Công nghiệp 4.0”, là một trong những chủ đề khoa học đã được trình bày trong Hội thảo Khoa học Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc lần thứ 4 (ACVYS 2017). Bên cạnh đó, các đại biểu trẻ cũng có buổi trao đổi về các chủ đề chất liệu phát quang: Quá trình phát triển, ưu điểm và tính ứng dụng”, công trình hệ thống dịch tự động Việt - Hàn “Utagger” thông minh với hơn 200.000 kho dữ liệu chia làm nhiều chủ đề, chuyên đề biển đảo Việt Nam…

 


Hội thảo là sự kiện thường niên do Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK) phối hợp với Hội sinh viên Việt Nam trường Đại học Gachon, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Văn phòng Khoa học Công nghệ Việt Nam tại Hàn Quốc (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp tổ chức. Hội thảo Khoa học Sinh viên Việt Nam lần thứ 4 năm 2017 (ACVYS 2017) đã thu hút nhiều diễn giả là các nhà khoa học trẻ tài năng và hơn 300 sinh viên đang học tập và sinh sống tại Hàn Quốc.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Hải Chiến, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK) chia sẻ: Với phương châm Kết nối tri thức, truyền lửa đam mê, chương trình đem đến cơ hội để các nhà nghiên cứu khoa học hàng đầu tại Việt Nam và Hàn Quốc trình bày những kết quả nghiên cứu nổi bật cũng như chia sẻ niềm đam mê và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học.

Các đại biểu được tham gia thảo luận về các vấn đề, những thách thức trong nghiên cứu khoa học ở các lĩnh vực như: công nghệ sinh học, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật xây dựng và môi trường, công nghệ thông tin - điện tử viễn thông, khoa học vật liệu, lưu trữ và chuyển đổi năng lượng với những nhà khoa học dày dặn kinh nghiệm.

Tại hội thảo đã có 68 bài báo cáo được giới thiệu chính thức, trong đó tập trung trình bày báo cáo những nội dung cơ bản như: công nghệ sinh học, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật xây dựng và môi trường, công nghệ thông tin - điện tử viễn thông, khoa học vật liệu, lưu trữ và chuyển đổi năng lượng.

Điểm nhấn của hội thảo năm nay là sự góp mặt của 2 diễn giả uy tín: GS Ju Heong Kyu đến (ĐH Gachon) và giáo sư Phan Thế Long (ĐH Hankuk) với các đề tài về “Cộng hưởng về bề mặt Plasmon (SPR) và ứng dụng thực tiễn” và “Chất liệu phát quang: Quá trình phát triển, ưu điểm và tính ứng dụng”. Với những đề tài nghiên cứu mới mẻ và mang tính ứng dụng cao, cùng những kinh nghiệm quý báu đến từ 2 giáo sư đầu ngành, bài phát biểu đã nhận được sự chú ý từ phía người tham dự.
 

Toàn cảnh hội thảo.


Một chuyên đề khác không kém phần nóng bỏng và bức thiết hiện nay, chuyên đề về Biển Đông cũng được trình bày tại Hội thảo năm nay. Chương trình quy tụ được khá nhiều những bài tham luận về chủ quyền biển đảo Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về chủ quyền biển đảo và đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước. Đây cũng chính là nơi các tác giả đi sâu thảo luận, phân tích về những khía cạnh pháp lý và đề xuất những giải pháp phù hợp cho Việt Nam trước những tranh chấp tại biển Đông. Bên cạnh đó, những tham luận cũng phản ánh thực trạng và đưa ra những giải pháp nhằm cải thiện cuộc sống của quân và dân trên quần đảo Trường Sa.

Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Trần Anh Vũ - Phó đại sứ nêu bật, năm nay, chương trình được tổ chức với quy mô lớn, số lượng người tham gia và gửi bài cho Hội thảo tăng đáng kể. Hội thảo khoa học thường niên này là môi trường tốt cho giới nghiên cứu sinh và du học sinh Việt Nam đang học tập tại Hàn Quốc có thể cập nhật được những thông tin mới nhất về chính sách phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam, qua đó góp phần đem đến nhiều tác phẩm nghiên cứu có giá trị đối với Việt Nam và Hàn Quốc. Đồng thời, hội thảo năm nay cũng mang một ý nghĩa đặc biệt hơn khi được tổ chức vào thời điểm hai quốc gia kỷ niệm 25 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao (1992 - 2017) và kỷ niệm 10 năm thành lập Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (2007 - 2017).

Nguồn: Báo Kinh tế Đô thị

 

Các tin cùng chuyên mục

Tin tức

Bản tin đa phương tiện

Chuyên Đề Truyền Thông Về Phát Triển Thị Trường KH&CN 2016