Tổng bí thư: Hàng triệu người đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc

Ngày 27 tháng 07, 2017

Sáng 27/7, lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ đã diễn ra tại thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công "mãi mãi được khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam".

Theo Tổng bí thư, trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiền đồ tươi sáng của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời.

"Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Các anh hùng liệt sĩ, thương binh đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi", ông nói.


 

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: NY.

Tổng bí thư nêu rõ, 70 năm qua, nhất là trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng".

Trong thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các tổ chức xã hội cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

"Cần nhận thức sâu sắc rằng, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân...", Tổng bí thư nói.


 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: NY.

Đại diện cho các cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Thế Thao - anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, ôn lại kỷ niệm nhập ngũ từ năm 1964, hoạt động trên chiến trường Lào trước khi trở về Thành cổ Quảng Trị chiến đấu trong 81 ngày đêm.

Là người trực tiếp cầm súng chiến đấu, chứng kiến sự hi sinh của đồng đội, bản thân cũng chịu nhiều thương tật, Đại tá Thao khẳng định, ông thấu hiểu những nỗi đau của người lính, của những cựu chiến binh và gia đình họ, đồng thời day dứt khi đồng đội vẫn còn nằm lại chiến trường, chưa thể quy tập về nghĩa trang, đưa về với quê hương, gia đình.

Người cựu binh cho rằng, sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước để xoa dịu phần nào nỗi đau của những người đã đi qua cuộc chiến, khiến ông và các đồng đội thấy ấm áp, yên lòng hơn.

Bày tỏ sự biết ơn của các thế hệ cha anh, những người đã ngã xuống cho thế hệ trẻ hôm nay có điều kiện sống, học tập trong hòa bình, Giảng viên Đại học Giao thông vận tải Lê Nguyên Khương cho biết, anh đã chọn con đường trở về cống hiến cho đất nước sau khi đạt được những thành tích học tập xuất sắc ở nước ngoài.

Nam giảng viên nguyện cống hiến hết sức trẻ cho công cuộc xây dựng đất nước, chăm lo những người có công với cách mạng, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào, đi bất cứ đâu để thực hiện những việc được giao phó.

Vũ Anh
(Theo Võ Hải, Vnexpress.net)

Các tin cùng chuyên mục

Tin tức

Bản tin đa phương tiện

Chuyên Đề Truyền Thông Về Phát Triển Thị Trường KH&CN 2016