Sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ làm đòn bẩy thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế xã hội là chủ trương của Chính phủ Việt Nam. Để thực hiện được điều này, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ hoàn chỉnh, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động xác lập, thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, từ đó tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, thương mại cho các chủ thể trong và ngoài nước.
Một trong những hoạt động trọng tâm của Việt Nam hiện nay là xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Trong những năm qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện nhiều công việc để nâng cao hiệu quả của hoạt động này như xây dựng và vận hành hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp (IPAS), áp dụng hệ thống ISO trong hoạt động tiếp nhận và xử lý đơn, đưa vào áp dụng hệ thống tiếp nhận đơn điện tử, tham gia hệ thống PPH cũng như tăng cường nguồn nhân lực cho công tác xử lý đơn.
Để hỗ trợ cho hoạt động xác lập, thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, trong những năm qua, Việt Nam đã tăng cường hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức của công chúng cũng như các chủ thể sở hữu trí tuệ, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ các cơ quan quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Xác định việc cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin sở hữu trí tuệ là chìa khóa giúp tăng hiệu quả cho quá trình xác lập, thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam đã và đang tập trung nỗ lực đầu tư cho hoạt động này. Với dự án tăng cường năng lực công nghệ thông tin đang được triển khai, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, các cơ sở dữ liệu và công cụ tra cứu thông tin sẽ được cập nhật và hiện đại hóa, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng.
Đặc biệt, với quan điểm đưa quyền sở hữu trí tuệ thực sự trở thành một loại tài sản của doanh nghiệp, hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển, trong 10 năm qua, Việt Nam đã triển khai một hoạt động đặc biệt trên phạm vi cả nước dành cho các chủ thể của hệ thống sở hữu trí tuệ, đó là chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Đến nay, chương trình đã hỗ trợ tập huấn về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, cộng đồng với hơn 47.000 lượt người tham dự; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ và quảng bá, giới thiệu về tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp trên đài truyền hình của 49 địa phương với gần 5.000 số phát sóng; đăng ký bảo hộ sáng chế cho gần 100 giải pháp, công nghệ; áp dụng thực tiễn cho 11 sáng chế, giải pháp công nghệ; tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho 261 sản phẩm đặc thù của địa phương dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận.
Với quan điểm đổi mới sáng tạo lấy sở hữu trí tuệ là nền tảng và doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, khuyến khích các hoạt động đầu tư về sở hữu trí tuệ, tìm kiếm, khai thác sáng chế phát triển công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Đối với cộng đồng ASEAN, Việt Nam tham gia tích cực vào hoạt động của Hiệp hội, có những đóng góp cho thiết thực cho hệ thống sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo và phát triển của khu vực. Đối với Kế hoạch xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ của ASEAN giai đoạn 2016-2025, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trong việc sử dụng hiệu quả hệ thống bản quyền, cập nhật hoặc soạn thảo các hướng dẫn thẩm định nội dung đăng ký sáng chế quốc gia. Việt Nam đã tham gia xây dựng hướng dẫn chung của ASEAN về thẩm định kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và xúc tiến thương mại hóa chỉ dẫn địa lý, xây dựng chiến lược và bảo vệ thương hiệu, nâng cao nâng cao năng lực của ngành sản xuất trong khu vực ASEAN.
Xác định sở hữu trí tuệ là nền tảng của đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển, trong những năm qua Việt Nam đã có nhiều quan hệ hợp tác với WIPO nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ trong nước. Nhiều hoạt động được ghi nhận như hiện đại hóa quản trị đơn sở hữu công nghiệp, thương mại hóa tài sản trí tuệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học và các hoạt động nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ, v.v. Hiện nay, với sự giúp đỡ của WIPO, Việt Nam đang nỗ lực triển khai xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia để xác định phương hướng, kế hoạch phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam trong giai đoạn tới. Điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc đóng góp vào sự phát triển của kinh tế xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia trong thế kỷ 21
Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ(hanhhang)