Tập huấn “Đào tạo kỹ năng cơ bản về thương mại hóa công nghệ”

Ngày 24 tháng 07, 2017

Trong khuôn khổ Dự án Đổi mới Sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp - VIIP, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức lớp Tập huấn "Đào tạo kỹ năng cơ bản về thương mại hóa công nghệ" đến đối tượng là cán bộ khoa học và nhà quản lý các viện chuyên ngành trong 03 ngày từ 16-18/12/2015 tại huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc khóa Tập huấn, PGS.TS.Nguyễn Hoài Châu - Trưởng Ban Ứng dụng và triển khai công nghệ khẳng định tầm quan trọng của hoạt động thương mại hóa công nghệ đối với các viện nghiên cứu, ông đánh giá cao những nghiên cứu mang tính ứng dụng trong toàn Viện Hàn lâm KHCNVN. Tuy nhiên, số lượng các nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHCNVN được chuyển giao đến doanh nghiệp và tiếp tục được phát triển tốt trên thị trường còn ở mức độ khiêm tốn. Điều này chưa tương xứng với tiềm lực và tầm vóc của một đơn vị hàng đầu cả nước về khoa học công nghệ. Vì vậy, qua khóa tập huấn này, PGS.TS.Nguyễn Hoài Châu mong rằng đây sẽ là tiền đề mở ra những triển vọng chuyển giao công nghệ cũng như thương mại hóa kết quả nghiên cứu, góp phần đem những sáng tạo Việt phục vụ người Việt, giúp ích nhiều nhất có thể cho cộng đồng và xã hội, phát triển kinh tế bền vững.

PGS.TS.Nguyễn Hoài Châu, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ phát biểu khai mạc khóa Tập huấn

Khóa tập huấn với mục tiêu đưa đến những kỹ năng cơ bản về thương mại hóa công nghệ, giúp cho nhà khoa học vốn chỉ quen với công việc nghiên cứu, có được những khái niệm cơ bản nhưng cốt lõi về quá trình diễn ra tiếp theo khi nghiên cứu hoàn thiện và đưa vào chuyển giao công nghệ cũng như sản xuất và thương mại hóa, cung ứng ra thị trường. Các nội dung trọng tâm được chuyển tải trong khóa học gồm các chuyên đề:

- Quy trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
- Chuẩn bị báo cáo thuyết trình gọi vốn.
- Kỹ năng thuyết trình gọi vốn.
- Phân tích và xác định thị trường mục tiêu, khách hàng mục tiêu.
- Phân tích lợi thế cạnh tranh của sáng chế, giải pháp của dự án.
- Xây dựng mô hình kinh doanh cho sản phẩm công nghệ.

Thầy Trần Lương Sơn phân tích các bước xây dựng mô hình kinh doanh công nghệ

Với 02 giảng viên dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại hóa, đổi mới sáng tạo, Ths.Nguyễn Văn Trúc, Giám đốc Trung tâm đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ và TS.Trần Lương Sơn, TGĐ Công ty Cổ phần VietSoftware, khóa học có sự tham gia của 30 cán bộ nòng cốt của Viện Hàn lâm KHCNVN khu vực phía Nam. Đây là những cán bộ khoa học hiện có những nghiên cứu ứng dụng mong muốn chuyển giao đến doanh nghiệp để nhân rộng và khuếch tán nghiên cứu của mình. Đây cũng là những cán bộ quản lý, thường xuyên làm việc với các đề tài hợp tác Bộ, ngành, địa phương hay dự án sản xuất thử nghiệm, trước những dự án khả thi về mặt khoa học nhưng khi chuyển giao thực tế gặp nhiều vấn đề va vấp, rất cần có sự tư vấn từ các chuyên gia kinh tế, chiến lược...

Trong 3 ngày, học viên đã được học nhiều điều bổ ích không chỉ trong công tác thương mại hóa công nghệ mà còn có thể ứng dụng được một cách đa dạng và phong phú trong cuộc sống, như kỹ năng nói, kỹ năng diễn thuyết, kỹ năng thuyết phục trước đám đông, trước đối tác, trước lãnh đạo... Hay những khó khăn khi gia nhập thị trường sản xuất tiêu dùng, các sản phẩm cạnh tranh một cách khốc liệt, sự nâng cấp, cải tiến của hãng này là mối đe dọa trực tiếp đến các hãng đối thủ, hay những cơ hội để giới thiệu và chào bán các công nghệ, kết quả nghiên cứu của mình một cách ấn tượng nhưng lịch sự và dễ được chấp nhận... Đây đều là những nội dung rất có ích đối với bất kỳ ai, đặc biệt là những nhà khoa học vốn chỉ quen với công việc nghiên cứu, mà chưa nắm được bí quyết giới thiệu, marketing công nghệ của mình một cách đơn giản nhưng hiệu quả.

Ths Nguyễn Văn Trúc - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ Phát triển Thị trường Công nghệ (TSC) hướng dẫn các học viên kỹ năng làm việc nhóm 

Không chỉ cung cấp các nội dung tập huấn một cách thông minh, sáng tạo, 2 giảng viên còn tạo không khí sôi động và cuốn hút cho các buổi học bằng cách tương tác trực tiếp với học viên thông qua phần Hỏi - Đáp, Tự giới thiệu về mình, Thử sức gọi vốn khi quảng bá về công nghệ, hay chia nhóm các học viên để phát huy sức mạnh tập thể, kết quả là một báo cáo thuyết trình mà đại diện nhóm báo cáo trước lớp học. Sau đó, giảng viên trực tiếp nhận xét, sửa lỗi trình bày, lỗi nội dung, cũng như hướng dẫn cách diễn đạt sao cho lôi cuốn và thuyết phục người nghe...

Có thể thấy, nhu cầu được nắm bắt thông tin cũng như phương thức để đưa khoa học – công nghệ đến với thực tế là rất lớn tại các viện nghiên cứu. Vì vậy, khóa tập huấn là một cơ hội để cán bộ khoa học, cán bộ quản lý của các viện có dịp tiếp cận với những thông tin hữu ích và có liên hệ mật thiết với công việc của mình. Dự kiến trong năm 2016 sắp tới, Viện Hàn lâm KHCNVN sẽ tổ chức tiếp tục các khóa học có liên quan đến thương mại hóa công nghệ tại khu vực phía Bắc và phía Nam.

Đại biểu dự khóa Tập huấn chụp ảnh lưu niệm

Nguồn website viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Các tin cùng chuyên mục

Đào tạo

Bản tin đa phương tiện

Chuyên Đề Truyền Thông Về Phát Triển Thị Trường KH&CN 2016